Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Hương  - TP.Thanh Hóa

Hành trình trở về của người phụ nữ 17 năm lưu lạc, biệt tích quê hương

Đăng lúc: 19:18:10 22/05/2023 (GMT+7)
100%

1.png

 

 17 năm dài đằng đẵng trông ngóng, hễ có tin gì gia đình lại tàu xe đi tìm nhưng không có kết quả, giữa lúc anh Bùi Văn Mạnh gần như đã vô vọng thì đến sáng 19/5, một người phụ nữ giống mẹ anh được phát hiện tại thành phố Thanh Hóa.

 

2.jpg

 

Bà Mạc Thị Mãi rời nhà đi khi con trai út Bùi Văn Mạnh mới 11 tuổi (Ảnh: Hoàng Sơn)

 

Chiều 9/5, bệnh viện tâm thần Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nữ chừng hơn 50 tuổi, là người vô gia cư. Điều dưỡng Trần Thị Lý, khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho hay, khi vào viện, bệnh nhân bị mất trí nhớ, chống đối không chịu phối hợp điều trị, không chịu ăn uống, vệ sinh cá nhân.

Theo chị Lý, những dấu hiệu trên cho thấy, bệnh nhân bị bệnh rất nặng.

“Thông thường khi tiếp nhận những bệnh nhân không có tên tuổi, không người thân, không biết quê quán, chúng tôi tạm ghi là bệnh nhân vô danh. Phải mất 3 ngày dùng các biện pháp nghiệp vụ cả về điều trị thuốc lẫn liệu pháp tâm lý, dần dần bệnh nhân mới chấp nhận ở lại viện”, điều dưỡng Lý nói.

 

3.jpg

Lúc mới vào nhập viện, bệnh nhân không chịu ăn uống, không nhớ gì, không hợp tác điều trị (Ảnh bệnh viện cung cấp)

 

Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường

Thời gian gần đây, người dân sinh sống tại khu vực phố Bình Minh, phường Đông Hương phát hiện một người đàn bà chừng hơn 50 tuổi, người gầy xơ xác, đầu tóc rối mù, ăn mặc rách rưới, trông giống một người tâm thần, vô gia cư.

Ban ngày, bà đi lang thang khắp nơi xin đồ ăn tại các hàng quán dọc ven đường, buổi tối ngủ ở vỉa hè. Sự việc được trưởng khu phố báo đến chính quyền địa phương.


4.jpg


Ông Ninh Ngọc Quế, tổ trưởng tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Đông Hương là một trong những người đầu tiên tiếp cận người đàn bà trong bộ dạng của một người vô gia cư đi lang thang khắp khu đô thị Bình Minh.

Qua theo dõi, ông Quế cho biết, một số lần đã tiếp cận, hỏi han, giúp đỡ nhưng người này không nhớ gì về tên tuổi, quê quán. Cán bộ phường Đông Hương đưa bà về Trạm Y tế chăm sóc, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP Thanh Hóa làm các thủ tục nhập viện Tâm thần Thanh Hóa điều trị. Những ngày sau đó, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Thanh Hóa đã liên tục đăng thông tin tìm người thân cho người đàn bà nọ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có kết quả.

“Ngày thứ 4 sau khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu phối hợp điều trị. Chúng tôi có thể trò chuyện, cắt tóc, thay quần áo mới, điều trị theo phác đồ. Bệnh nhân bắt đầu giao tiếp với các bệnh nhân khác cùng khoa. Điều may mắn là nữ bệnh nhân này mặc dù trước khi nhập viện đi lang thang, ăn uống không đảm bảo, gần như không vệ sinh cá nhân, người rất gầy nhưng qua thăm khám, xét nghiệm, không có bệnh gì khác ngoài bệnh lý tâm thần”, điều dưỡng trưởng khoa Nữ, Trần Thị Lý kể.

Cũng theo chị Lý, đến ngày thứ 10 điều trị, điều kỳ diệu đã xảy ra khi nữ bệnh nhân khôi phục một phần trí nhớ. Bà cho biết, mình tên là Mãi, Mạc Thị Mãi, quê ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

 

5.jpg

 Mẹ đạp xe đi mãi… đi mãi đến 17 năm.

Nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, anh Bùi Văn Mạnh, 28 tuổi ở Hải Phòng kể, gần 17 năm trước, ngày 6/11/2006 là ngày định mệnh của gia đình anh. Mẹ anh khi đó 38 tuổi bỗng dưng bỏ nhà ra đi, để lại cho bố anh 3 người con, Mạnh là con trai út.

“Lúc đó tôi 11 tuổi, đi học về không thấy mẹ đâu, mấy ngày hôm sau gia đình tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy. Mẹ mượn chiếc xe đạp của dì út, rồi đạp xe đi mãi, đi mãi… 17 năm qua. Gia đình đã tìm kiếm trong vô vọng. Hễ nghe ai nói ở đâu có người giống mẹ, cha tôi cùng anh em họ hàng lại lên đường. Khắp trong Nam, ngoài Bắc, đã nhiều lần cha tôi hụt hẫng khi đi hàng trăm, hàng ngàn cây số nhưng đến khi gặp không phải vợ mình.”, anh Mạnh vừa kể vừa chỉ tay về phía người đàn ông đang ngồi thẫn thờ vì chưa hiểu điều gì vừa xảy ra.

  

6.jpg

Sau một giờ đồng hồ gặp lại vợ, ông Đạt vẫn chưa tin câu chuyện là có thật (Ảnh: Hoàng Sơn)

 

Từ ngày vợ bỏ đi, ông Bùi Văn Đạt (sinh năm 1969) chưa một ngày nào thôi mong ngóng bà. Ông vừa làm thợ mộc, vừa làm vườn, ở vậy trong cảnh “gà trống nuôi con". Giờ 3 người con của ông Đạt, bà Mãi đã có gia đình riêng với 5 cháu nội, ngoại.

“Khi nghe cán bộ xã Hợp Thành thông báo phát hiện người giống vợ tôi đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, tôi đã xem ảnh và khẳng định đó chính là vợ mình. Ngay lập tức, sáng sớm 20/5 cả đại gia đình đã vào Thanh Hóa đón bà ấy.

Thật vui vì bà ấy đã nhận ra và gọi tên tôi, tên các chị em, các cháu. Sau bao năm đăng thông tin tìm kiếm mà không có kết quả, bây giờ gia đình tôi thật sự rất hạnh phúc. Cảm ơn các y bác sỹ bệnh viện tâm thần Thanh Hóa, các cán bộ phường Đông Hương và Phòng LĐ-TB&XH thành phố Thanh Hóa đã rất tận tình, trách nhiệm kết nối để gia đình chúng tôi tìm được người thân”, ông Đạt nói trong nước mắt.

7.jpg

 

Ông Đạt cho biết, bà Mãi là người cùng làng, hơn ông 1 tuổi. Năm 1995, khi vừa sinh con trai út được 3 tháng, bà gặp tai nạn bị xe máy tông ngã. Sau đó, vợ ông bị di chứng nhưng không nặng, vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường. Thế nên việc bà Mãi bỏ nhà đi là một cú sốc lớn với gia đình.

Bao nhiêu năm qua, bà Mãi đã phải sống cuộc đời lang thang, không gia đình. Gặp lại vợ sau 17 năm lưu lạc trong bộ dạng gầy gò, ốm yếu, lúc nhớ, lúc quên, ông Đạt không khỏi xót xa. Người đàn ông đã gần 20 năm “mồ côi” vợ cho biết, giờ là lúc để gia đình bù đắp lại những thiệt thòi mà bà Mãi đã phải chịu đựng.

17 năm – như chưa hề có cuộc chia ly

Hơn 18h chiều 20/5, chiếc xe chở bà Mãi về đến nhà tại thôn 7, xã Hợp Thành. Căn nhà nhỏ chật kín người đến thăm hỏi, chúc mừng. 17 năm trông ngóng, bố mẹ của bà Mãi, nay đều đã ngoài 90 tuổi ôm con gái nghẹn ngào. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm đã chuẩn bị sẵn. Chị Mạc Thị Hà, cháu gọi bà Mãi bằng cô ruột cho biết, đại gia đình chị chưa bao giờ có một cuộc hội ngộ xúc động và ý nghĩa như thế.

 8.jpg

 

Đáng chú ý, từ khi gặp lại, ngoại trừ cậu con trai út Bùi Văn Mạnh bà Mãi không nhớ vì lúc bà rời nhà ra đi Mạnh mới 11 tuổi, còn lại hầu hết anh chị em, chồng, cha mẹ, thậm chí bạn bè hàng xóm, bà đều nhận ra hết.

“Lúc cô tôi bỏ nhà đi, tôi mới 23 tuổi. 17 năm qua, chúng tôi lấy chồng, sinh con, hình dáng cũng thay đổi nhiều, không hiểu sao cô vẫn nhận ra và gọi chính xác tên từng đứa cháu. Cô còn gọi tôi là Hà “cún”, cái tên từ nhỏ mọi người vẫn hay gọi. Điều này khiến chúng tôi rất vui mừng xúc động và càng thương cô hơn. Có lẽ tình thân, máu mủ ruột rà là sợi dây vô hình khiến cô tôi nhớ lại và tìm được gia đình mình. Hạnh phúc nhất là các cụ thân sinh ra cô Mãi. Ông bà tưởng như sẽ nhắm mắt mà không thể gặp lại con gái mình”, chị Hà xúc động nói.

Là cán bộ tư pháp huyện Thủy Nguyên, chị cho biết, mình đã trực tiếp kết nối, làm các thủ tục giữa xã Hợp Thành và phường Đông Hương để nhận bà Mạc Thị Mãi về với gia đình. Theo chị Hà, nếu không có tinh thần trách nhiệm, tận tụy của các cán bộ thành phố Thanh Hóa và y bác sỹ bệnh viện tâm thần Thanh Hóa, có lẽ gia đình chị không thể tìm thấy cô của mình.

“Khi xem bức ảnh cô đi lang thang ngoài đường mà cán bộ phường Đông Hương cung cấp, cả nhà đã khóc vì thương. Cách đây 2 năm, gia đình đã làm thủ tục thông báo mất tích sau 15 năm mỏi mòn tìm kiếm. Trước đó, tôi đã gửi hồ sơ sang Trung Quốc, nhờ cả những người làng, người xã lấy chồng bên đó tìm kiếm giúp nhưng đều không có kết quả. Chúng tôi từng nghĩ cô Mãi đã chết hoặc bị bán sang nước ngoài. Gia đình chỉ mong có một phép màu nào đó để tìm thấy cô... Và bây giờ thì phép màu đã đến!”, chị Hà nói thêm.

 9.jpg

Chị Mạc Thị Hà nói phép màu đã xảy ra khi tìm thấy cô ruột của mình

 Lý giải về việc phục hồi trí nhớ khó tin của bà Mạc Thị Mãi, Tiến sỹ - bác sỹ Lê Bật Tân, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết, do 17 năm đi lang thang không được điều trị, không dùng thuốc nên ban đầu bệnh nhân quên không thể nhớ được gì. Khi được chăm sóc, điều trị theo phác đồ, việc bệnh nhân dần nhớ lại là điều không lạ. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân mới chỉ nhớ lại một phần ký ức. Chúng tôi đã kê đơn, hướng dẫn cụ thể người nhà về các bước điều trị tiếp theo.

“Trước mắt, bệnh nhân sẽ về với gia đình. Trong thời gian này gia đình cần chăm sóc, yêu thương, quan tâm và cho bệnh nhân uống thuốc đúng chỉ định của bác sỹ. Sau đó, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên ngành để tiếp tục theo dõi, điều trị. Chứng kiến câu chuyện hội ngộ sau 17 năm của bà Mãi, các bác sỹ chúng tôi cũng rất xúc động. Mong bệnh nhân sức khỏe tiến triển tốt để hòa nhập với cuộc sống gia đình”, bác sỹ Tân nói.

Nguồn: Quang Duy  

 




































































































Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
240
Hôm qua:
439
Tuần này:
1422
Tháng này:
7296
Tất cả:
516962

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289